Phẩm Phật Đạo

SHARE:


Thực hành Con Đường Bồ Tát qua kinh Duy Ma Cật
Tác Giả: Đương Đạo – NXB Thiện Tri Thức

1. Lời nói đầu
2. Phẩm Phật Quốc
3. Phẩm Phương Tiện
4. Phẩm Đệ Tử
5. Phẩm Bồ Tát
6. Phẩm Văn Thù Sư Lợi Thăm Bệnh
7. Phẩm Bất Tư Nghị
8. Phẩm Quán Chúng Sanh
9. Phẩm Phật Đạo
10. Phẩm Nhập Pháp Môn Bất Nhị
11. Phẩm Phật Hương Tích
12. Phẩm Bồ Tát Hạnh
13. Phẩm thấy Phật Bất Động
14. Phẩm Cúng Dường Pháp
15. Phẩm Phó Chúc
16. Tựa các Đầu sách đã Xuất bản

Phẩm Phật Đạo

Bấy giờ ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi trưởng giả Duy Ma Cật rằng: “Bồ tát làm thế nào để thông đạt Phật đạo?”

Ngài Duy Ma Cật nói: “Nếu Bồ tát hành nơi phi đạo, đó là thông đạt Phật đạo.”

Lại hỏi: “Bồ tát hành nơi phi đạo như thế nào?”

Đáp rằng: “Nếu Bồ tát hành năm tội vô gián mà không có phiền não tức giận. Đến địa ngục mà không có những dơ bẩn của tội. Đến ngạ quỷ mà đầy đủ công đức. Đến súc sanh mà không có vô minh tối tăm. Đến a tu la mà thoát khỏi kiêu mạn, tự phụ. Đến cõi sắc và vô sắc mà không cho là thù thắng. Thị hiện hành tham dục mà lìa mọi nhiễm trước. Thị hiện hành sân hận mà đối với chúng sanh không có chướng ngại tức giận. Thị hiện hành ngu si mạ dùng trí huệ điều phục tâm mình. Thị hiện hành tham tiếc mà xả bỏ sở hữu trong ngoài, chẳng tiếc thân mạng. Thị hiện hành phá giới mà an trụ tịnh giới, cho đến tội nhỏ cũng rất sợ. Thị hiện hành giận dữ mà thường từ hòa, nhẫn nhục. Thị hiện hành lười biếng mà chuyên cần tu công đức. Thị hiện hành loạn ý mà thường niệm định. Thị hiện hành ngu si mà thông đạt trí huệ thế gian và xuất thế gian. Thị hiện hành ngụy biện cãi cọ mà thường biết nghĩa rốt ráo của Kinh và phương tiện thiện xảo. Thị hiện hành kiêu mạn, mà đối với chúng sanh mình làm cầu, ván. Thị hiện hành phiền não mà tâm thường thanh tịnh. Thị hiện vào đường Ma mà thuận theo trí huệ Phật, không theo sự chỉ bày của họ. Thị hiện vào Thanh Văn mà vì chúng sanh thuyết cho họ pháp họ chưa nghe. Thị hiện vào Bích Chi Phật mà thành tựu đại bi, giáo hóa chúng sanh. Thị hiện vào chốn bần cùng mà có viên ngọc công đức vô tận trong bàn tay (Bồ đề tâm). Thị hiện vào chỗ tàn tật mà đầy đủ các tướng hảo để tự trang nghiêm. Thị hiện vào hàng thấp hèn mà lại sanh trong dòng giống Phật, đầy đủ mọi công đức. Thị hiện vào hạng người ốm yếu xấu xí mà được thân Na la diên, tất cả chúng sanh đều thích nhìn. Thị hiện vào lão, bệnh mà vĩnh viễn đoạn dứt gốc bệnh, vượt khỏi sợ hãi về chết. Thị hiện có tài sản mà luôn quán vô thường, thật không có tham. Thị hiện có thê thiếp, thể nữ mà thường xa lìa bùn lầy năm dục. Thị hiện đần độn mà thành tựu biện tài, tổng trì chẳng mất. Thị hiện vào tà đạo mà dùng chánh đạo cứu giúp chúng sanh. Thị hiện vào tất cả các nẻo của thế gian mà hủy bỏ nhân duyên sáu nẻo. Thị hiện vào Niết bàn mà chẳng cắt đứt sanh tử.

 

“Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát có thể hành nơi phi đạo như thế, đó là thông đạt Phật đạo.”

Phi đạo là những nẻo đường sai lầm, không chính đúng, những nẻo đường có thể nói là thấp kém nhất của sanh tử. Phật đạo là con đường đạt đến Bồ đề, thành Phật. Để đạt đến những phẩm tính của Phật, đi suốt hết con đường thành Phật, Bồ tát hành nơi phi đạo, tức là những nẻo đường nhiêu khê của sanh tử. Bồ tát mở lòng bi trùm khắp sanh tử, những chỗ mê lầm tối tăm nặng nề nhất. Dầu đi vào những chỗ dễ nhiễm ô, những nơi bất tịnh, Bồ tát vẫn giữ gìn sinh mạng của mình, tức là chẳng một chút lìa khỏi bản tâm, Phật tánh vốn thanh tịnh của mình. Trụ nơi tánh thanh tịnh bổn nhiên mà vào nơi bất tịnh, trụ nơi ánh sáng để vào chốn tối tăm, không đánh mất cái chưa từng nhiễm ô của mình mà vào trong sáu nẻo nhiễm ô, đó gọi là thị hiện.

Như ngọn đèn đi vào chỗ tối tăm thì ngọn đèn phải càng sáng, cái vốn thanh tịnh đi vào được chỗ bất tịnh để hóa giải sự bất tịnh này thì cái vốn thanh tịnh phải được thâm nhập hơn nữa để thành nguồn năng lực hóa giải, chữa lành. Con đường đạt đến Phật quả là đem hết nội lực Phật pháp nơi mình – mà gom lại gồm hai cái chính là trí huệ và đại bi – để đi vào và chuyển hóa sanh tử. Việc làm này càng có kết quả, càng sâu rộng thì năng lực Phật pháp nơi mình càng nhiều. Tóm lại đây chính là hai sự tích tập công đức và trí huệ ở mức độ sâu rộng, sâu rộng cùng cực, nghĩa là ở giai đoạn chót của con đường.

Càng thị hiện bao nhiêu thì càng chứng được như huyễn bấy nhiêu.

Bấy giờ trưởng giả Duy Ma Cật hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: “Thế nào là hạt giống Như Lai?”

Ngài Văn Thù Sư Lợi trả lời: “Thân nơi cõi Hữu là hạt giống. Vô minh và luyến ái vào cõi Hữu là hạt giống. Tham, sân, si là hạt giống. Bốn thứ điên đảo là hạt giống. Năm sự che chướng là hạt giống. Sáu nhập là hạt giống. Bảy thức xứ là hạt giống. Tám pháp tà là hạt giống. Chín chỗ sinh não là hạt giống. Mười bất thiện đạo là hạt giống. Nói tóm lại sáu mươi hai kiến chấp và tất cả phiền não là hạt giống Phật.”

Hỏi: “Ngài Văn Thù nói như vậy là thế nào?”

Đáp: “Nếu thấy cái Vô vi (Thurman, vô sanh) mà nhập chánh vị thì không còn có thể phát tâm Vô thượng Bồ đề được nữa. Tuy nhiên, người sống giữa những cái hữu vi (Thurman, cái được sanh tạo), trong những mỏ phiền não, dầu chưa thấy được chân lý, cũng có thể phát tâm Bồ đề.

“Ví như chỗ đất cao không thể sanh hoa sen. Nơi bùn lầy thấp ướt mới sanh hoa ấy. Như vậy, thấy pháp vô vi rồi nhập chánh vị rốt cuộc chẳng còn sanh những phẩm tính Phật (Phật pháp, theoLa Thập). Trong bùn lầy phiền não mới có chúng sanh khởi lên những phẩm tính Phật. Lại như gieo hạt giống giữa không trung, rốt cuộc chẳng sanh được, ở đất phân bùn thì mới tốt tươi. Như vậy, người vào vô vi chánh vị thì không sanh ra những phẩm tính Phật, nhưng dù người sanh khởi ngã kiến như núi Tu Di thì vẫn còn có thể phát tâm Vô thượng Bồ đề mà sanh ra những phẩm tính Phật. Thế nên, phải biết: Hết thảy phiền não là hạt giống Như Lai. Ví như không lặn xuống biển cả thì không thể được ngọc quý vô giá, cũng vậy, không vào biển cả phiền não thì không thể được cái quý báu Nhất Thiết Trí.”

 

Sáu mươi hai kiến chấp và tất cả phiền não là hạt giống Phật: nơi nào có sự sai lầm, nơi ấy có cái đúng thật; nơi nào có phiền não, nơi ấy có an lạc. Như thế, bởi vì trong ba cõi Hữu nơi nào cũng có sai lầm cho nên nơi nào cũng có sự đúng thật, trong ba cõi Hữu nơi nào cũng có phiền não cho nên nơi nào cũng có an lạc.

Con đường Phật đạo không phải là con đường thấy cái vô sanh rồi nhập vào vô sanh để chấm dứt cuộc đoạn trường. Con đường Phật đạo không gạt bỏ sanh tử qua một bên và nhận lấy giải thoát ở bên này. Con đường Phật đạo là thấy được thực tướng của sanh tử: sanh tử có bao nhiêu tướng trạng thì có bấy nhiêu giải thoát, sanh tử có bao nhiêu tính chất thì có bấy nhiêu giải thoát. Hơn nữa, chính trong thực tướng của sanh tử mà gieo trồng những phẩm tính Phật để sanh tử không chỉ là giải thoát mà sanh tử còn là Phật pháp.

Phát tâm Bồ đề chính là phát tâm đi trọn vẹn con đường Phật đạo, căn bản trí và hậu đắc trí trọn vẹn, trí huệ và đại bi trọn vẹn, tự giác giác tha giác hạnh viên mãn. Tâm Bồ đề là cây sen mọc và nở suốt cho đến khi thành Phật quả, tâm Bồ đề chính là con đường Phật đạo. Như kinh lấy những thí dụ tuyệt vời, hạt giống hoa sen đó không thể mọc trên đất cao khô, không thể mọc giữa không trung, mà phải mọc nơi bùn lầy sanh tử. Và có thể nói chắc, chính vì sanh tử quá lớn lao, quá dữ dội, quá dơ bẩn mà cây sen Bồ đề tâm ấy mọc càng nhanh, càng mạnh mẽ.

Kinh điển Đại thừa thường nói Bồ tát là anh hùng. Anh hùng vì thái độ của Bồ tát đối với sanh tử – chỉ nói đối với sanh tử, chứ chưa nói thái độ trách nhiệm đối với chúng sanh. Đối với sanh tử, Bồ tát giải thoát không phải bằng cách lìa bỏ nó như một vật vô ích, mà bằng cách nhìn thấy thật tánh của sanh tử. Hơn thế nữa, Bồ tát còn lợi dụng những chất liệu của nó, để chuyển hóa sanh tử: sanh tử không phải là món lỗ lã, mà là một món lời vô tận. Từ đây, chúng ta bắt đầu hiểu được câu thường nói của Đại thừa, phiền não tức Bồ đề.

Trong công cuộc chuyển hóa này, trong việc lặn xuống biển cả phiền não để có “món lời” vô tận là Nhất Thiết Trí, ba cõi Hữu của sanh tử trở thành không gian vô biên và thời gian vô tận, môi trường vô tận cho sự học hỏi, nghĩa là chất liệu vô tận cho sự chuyển hóa. Như thế sanh tử vô tận chính là những bài học về Phật pháp, hay những phẩm tính Phật. Sự học hỏi này tạo ra cái đẹp, sự sống động, tính anh hùng và ý nghĩa cuộc đời Bồ tát.

Bấy giờ, ngài Đại Ca Diếp ca ngợi: “Hay thay! Hay thay! Ngài Văn Thù Sư Lợi! Lời nói ấy tuyệt làm sao! Đúng như ngài nói, những trần lao là hạt giống của Như Lai (Thurman, tạo thành gia đình của chư Như Lai). Nay chúng tôi những Đệ tử làm sao có thể phát tâm Bồ đề hay trở thành giác ngộ trọn vẹn nhờ những phẩm tính Phật? Thậm chí người có năm tội vô gián còn có thể phát tâm và có thể đạt đến Phật quả, là sự thành tựu trọn vẹn những phẩm tính của Phật!

“Ví như những người các căn đã hư thì đối với năm dục chẳng còn hiệu quả gì. Cũng vậy hàng Thanh Văn đã cắt đứt mọi kiết sử, đối với những phẩm tính Phật không còn hiệu quả gì, vĩnh viễn không có chí nguyện gì.

“Thế nên, thưa ngài Văn Thù Sư Lợi, người phàm phu còn báo đáp ơn Phật được, nhưng Thanh Văn thì không. Tại vì sao thế? Phàm phu nghe nói đến những công đức của Phật thì phát tâm Bồ đề khiến Tam Bảo không bị đoạn dứt, còn Thanh Văn thì dẫu trọn đời nghe những phẩm tính của Phật như mười lực, bốn vô úy v.v… mà vĩnh viễn không thể phát tâm Vô thượng Bồ đề.”

Ở đây chúng ta chỉ nói đến một khía cạnh thực tế của Bồ đề tâm. Bồ đề tâm chính là con đường Bồ tát. Theo truyền thống, Bồ đề tâm là một tâm trực tiếp hướng đến giác ngộ (trí huệ) và muốn cứu độ tất cả chúng sanh (đại bi). Như vậy, Bồ đề tâm không chỉ là phương tiện để đạt đến cứu cánh mà Bồ đề tâm chính là cứu cánh. Bồ đề tâm càng được phát khởi và tuôn trào mạnh mẽ thì trí huệ và đại bi càng nhiều. Tâm thức của chúng ta càng có Bồ đề tâm thì tâm thức ấy càng trực tiếp với thực tướng của tất cả các pháp, đồng thời càng mở rộng để bao trùm lấy chúng sanh. Sự thành tựu trọn vẹn một Bồ đề tâm như vậy là tâm Phật.

Tính cách anh hùng của Bồ tát là dám mơ ước và thực hiện những phẩm tính Phật, đây là lòng bi thể hiện với chúng sanh, làm những việc khó làm. Lòng bi đó còn biểu lộ vì không muốn Tam Bảo bị đoạn dứt, đây là sự báo ơn Phật, Pháp, Tăng. Lòng bi quan trọng như vậy, cho nên bổn phận của người đi con đường Bồ tát là mở rộng, làm mạnh lòng bi nơi mình đến vô hạn trong từng phút từng giây. Có thể nói Bồ tát không hưởng thụ gì của thế gian ngoại trừ lòng bi ấy dành cho thế gian.

Bấy giờ trong chúng hội có Bồ tát danh hiệu Phổ Hiện Sắc Thân (Sarvarupasamdarsana) hỏi trưởng giả Duy Ma Cật: “Thưa cư sĩ, ai là cha mẹ, vợ con, thân thích, quyến thuộc, người giúp việc, người quen biết của ngài? Tôi tớ, gia nhân, voi ngựa, xe cộ của ngài ở đâu?”

Trưởng giả Duy Ma Cật dùng kệ đáp rằng:

“Trí độ (trí huệ ba la mật) mẹ Bồ tát,

Phương tiện ấy là cha,

Những đạo sư của chúng,

Đều do đó mà sanh.

 

Pháp hỷ đó là vợ,

Tâm từ bi là gái,

Pháp, chân lý là trai,

Rốt ráo không tịch: nhà.

 

Phiền não: chúng đệ tử,

Tùy ý mà chuyển hóa

Đạo phẩm: thiện tri thức

 

 

Do đây thành chánh giác.

 

Sáu độ: bạn đồng hành,

Bốn nhiếp là kỹ nữ,

Ca, ngâm, tụng pháp ngôn

Lấy đó làm âm nhạc.

 

         Tổng trì là vườn hoa,

Pháp vô lậu: cây rừng

Giác ý: hoa tịnh diệu,

Giải thoát, trí huệ: quả.

 

 

 

 

 

Tám giải thoát: ao tắm

Định: nước trong lặng đầy

Rải bảy thứ tịnh hoa,

Người vô nhiễm tắm đó.

 

Năm thông là voi ngựa,

Đại thừa lấy làm xe,

Tâm Bồ đề điều khiển

Dạo chơi đường Bát Chánh.

 

 

Tướng chánh và tướng phụ,

Đủ, đẹp nghiêm sức thân,

Hổ thẹn là y phục

Đức hạnh là tràng hoa.

 

Bảy thánh tài: giàu có,

Chỉ dạy thêm sinh lời,

Thực hành như được nghe,

Hồi hướng làm lợi lớn.

 

 

Bốn thiền làm giường ghế,

Từ nơi tịnh mạng sanh,

Thức tỉnh nhờ trí huệ

Là văn, tu thường trực.

 

Đồ ăn: pháp cam lồ,

Nước uống: vị giải thoát,

Tịnh tâm là tắm rửa,

Giới phẩm làm hương xoa.

 

          Trừ diệt giặc phiền não

Anh hùng không ai bằng

Hàng phục bốn loại ma

Dương cờ Bồ đề tràng.

Trí độ là trí huệ ba la mật. Kinh Đại Bát Nhã nói trí huệ ba la mật sanh ra tất cả chư Phật, chư Bồ Tát, Bích Chi và Thanh Văn. Nhưng cái được nhấn mạnh ở Đại thừa là phương tiện. Phương tiện là phương tiện để tự giải thoát và phương tiện khiến cho người được giải thoát. Một câu nói chúng ta thường nghe là: vì chúng sanh chúng ta đã ngã té trên đất, vậy phải nhờ đất mà đứng dậy. Phương tiện bởi vì Bồ tát luôn luôn đi trong sanh tử, bởi thế phải khéo léo sử dụng chính sanh tử để làm lợi mình lợi người. Tất cả những pháp tu đặc biệt, lợi dụng những hoàn cảnh sống để tu, đưa mọi sự thuận hay nghịch vào con đường đạo, sử dụng giấc ngủ thậm chí cả cái chết để tu… là những phương tiện thiện xảo. Và phương tiện không hề tách rời trí huệ, phương tiện đến đâu trí huệ đến đó. Ngay trong phương tiện chính là trí huệ, ngay nơi trí huệ bèn có phương tiện. Với người thực hành, sự kết hợp này càng khắng khít bao nhiêu, nhuần nhuyễn bao nhiêu thì càng tiến bộ trên con đường bấy nhiêu.

Chúng ta thấy những gì của Bồ tát, bao quanh Bồ tát đều là pháp Phật: vợ con, nhà cửa, vườn rừng, xe cộ… Điều đó không chỉ là thí dụ cho đẹp thêm ý tưởng, đó là một việc cụ thể. Đời sống của Bồ tát nằm trong Pháp và tất cả đều là Pháp. Đó là một đời sống thanh tịnh từ tâm đến thân đến hoàn cảnh chung quanh. Vì được bao quanh bởi Pháp như vậy mà Bồ tát tịnh hóa được hoàn cảnh sanh tử xung quanh: vợ con, học trò, nhà cửa, kỹ nữ, âm nhạc, bạn đồng hành… Nói cách khác, hoàn cảnh sanh tử, vợ con, nhà cửa, bạn bè… chính là phương tiện để Bồ tát thực hiện công cuộc tịnh hóa cho mình và cho người, từ thân tâm cho đến thế giới bên ngoài. Sanh tử này là phương tiện để Bồ tát tịnh hóa chính sanh tử. Cái gì được nhìn thấy bằng trí huệ và từ bi cái đó được tịnh hóa. Cái gì được nghĩ đến bằng trí huệ và từ bi cái đó được tịnh hóa. Cái gì được cầm nắm bằng trí huệ và từ bi, cái ấy được tịnh hóa.

Tuy biết không sanh diệt,

Dạy đời nên có sanh,

Hiện khắp các quốc độ

Như mặt trời, khắp thấy.

 

Cúng dường khắp mười phương,

Vô lượng ức Như Lai.

Chư Phật cùng bản thân,

Không chút tưởng phân biệt.

 

Tuy biết các cõi Phật

Với chúng sanh là Không,

Mà thường tu Tịnh độ

Giáo hóa cho quần sanh.

 

Hình, tiếng cùng oai nghi

Của bao loại chúng sanh

Bồ tát lực vô úy

Nhất thời bèn hiện đủ.

 

Rõ biết các việc Ma,

Thị hiện theo hạnh chúng,

Dùng trí phương tiện khéo,

Tùy ý có thể hiện.

Hoặc hiện già bệnh chết,

Thành tựu cho quần sanh,

Rõ biết như huyễn hóa,

 

Thông đạt không ngăn ngại.

 

Hoặc hiện kiếp lửa cháy,

Trời đất đều trống trơn,

Những người ôm tưởng “thường”,

Khiến soi thấy vô thường. 

 

Vô số ức chúng sanh,

Cùng đến mời Bồ tát,

Một phen đến nhà họ,

 

Khiến hướng vào Phật đạo. 

 

Kinh sách, khoa bí truyền,

Khéo léo các kỹ nghệ,

Thị hiện làm mọi sự,

Lợi ích cho quần sanh.

 

Các đạo giáo thế gian,

Đều đi tu trong đó,

 

Để giải lầm cho người

Mà không sa tà kiến.

 

Hoặc làm thần Nhật, Nguyệt,

Phạm vương, chủ thế giới,

Hoặc khi làm đất, nước,

Hoặc lại làm gió, lửa. 

 

 

Trong kiếp có bệnh dịch,

Hiện làm các dược thảo,

Nếu có người nào dùng,

Trừ bệnh, tiêu các độc.

 

Trong kiếp có đói khát,

Hiện thân (làm) đồ uống ăn,

Trước cứu cơn đói khát,

Rồi nói Pháp cho người.

 


Trong kiếp có đao binh,

Vì người khởi từ bi,

Giáo hóa chúng sanh ấy.

Khiến trụ nơi vô tranh.

 


Nếu có chiến trận lớn,

Ở trong lực bình đẳng,

Bồ tát hiện oai thế,

Hàng phục để an hòa.

 

Trong tất cả quốc độ,

Chỗ nào có địa ngục,

Bèn đi ngay đến đó,

Cứu vớt người khổ não.

 

Trong tất cả quốc độ,

Súc sanh ăn nuốt nhau,

Đều hiện sanh nơi đó,

 

Vì họ làm lợi ích.

 

Thị hiện thọ năm dục,

Cũng thị hiện hành thiền,

Khiến tâm ma rối loạn,

Không có được cơ hội.


Trong lửa sanh hoa sen,

Mới gọi là hy hữu,

Tại dục mà hành thiền,

Hy hữu cũng như vậy.

 


Hoặc hiện làm dâm nữ,

Dắt dẫn kẻ háo sắc,

Trước câu móc bằng dục,

Sau khiến nhập Phật trí.


Hoặc làm chủ làng xã,

Hoặc cầm đầu buôn bán,

Quốc sư và đại thần,

Giúp đỡ cho chúng sanh.


Với những người nghèo khó,

Hiện làm tạng vô tận,

Nhân đó khuyên bảo cho,

Khiến phát tâm Bồ đề.

 

Với những người ngã mạn,

Thì hiện đại lực sĩ,

Trừ diệt các cống cao,

Khiến trụ đạo vô thượng.

 

Với người có sợ hãi,

Đến trước họ an ủi,

Trước bố thí vô úy,

 

Sau khiến phát đạo tâm.

 

Hoặc hiện lìa dâm dục,

Làm vị tiên ngũ thông,

Khai, dạy cho quần sanh,

Khiến trụ Giới, Nhẫn, Từ.

 

Thấy ai cần hầu hạ,

Hiện làm người tôi tớ,

Làm vui lòng họ rồi,

Mới khiến phát đạo tâm.

Tùy ai cần dùng gì,

Để nhập được Phật đạo,

Dùng lực phương tiện khéo,

Đều cấp cho đầy đủ.

Đạo vô lượng như vậy,

Chỗ hành không bến bờ,

Trí huệ không biên giới,

Độ thoát vô số chúng.

 

Dù cho tất cả Phật,

Trong vô số ức kiếp,

Tán thán công đức ngài,

Cũng không thể nói hết.

 

Ai nghe pháp như thế,

Chẳng phát Bồ đề tâm?

Trừ người rất kém cỏi,

Tối tăm không có trí.”

 

Những việc làm giúp đỡ, cứu thoát chúng sanh ở trên, tất cả đều do “trí phương tiện khéo” hay “lực phương tiện khéo” mà có. Một khi “biết không sanh diệt”, “biết các cõi Phật và chúng sanh là Không”, “rõ biết như huyễn hóa, thông đạt không ngăn ngại”, “chư Phật cùng bản thân, không chút tưởng phân biệt”, nghĩa là thấu rõ pháp tánh, thì chính trong pháp tánh ấy có “lực hay trí phương tiện khéo”. Một khi thấu suốt Pháp thân thì có sự ứng hiện ra các Hóa thân để độ thoát chúng sanh. Và sự thâm nhập vào pháp tánh, vào Pháp thân càng sâu thì lực phương tiện khéo càng mạnh, sự ứng hiện các Hóa thân càng có công hiệu. Càng thâm nhập vào tự tâm bao nhiêu, vào bản tánh của tâm thức bao nhiêu, người ta càng làm chủ những hóa hiện của tâm thức bấy nhiêu. Ví như càng thâm nhập vào đại dương, người ta càng có thể ứng hiện ra các làn sóng (thế giới hình tướng, hiện tượng), và chúng ta có thể hình dung những vị Phật là toàn thể đại dương nên các ngài có thể ứng hiện mọi làn sóng.

Như thế trí huệ càng sâu xa đến đâu, phương tiện càng hiệu nghiệm đến đó. Như mặt trời càng ít bị mây che, càng hiện nguyên vẹn đến đâu, công năng của mặt trời càng có đến đó.

Nhưng ở mức độ con người bình thường như chúng ta, chớ bảo rằng mình không có phần. Trong mức độ bình thường, ai cũng có thể làm những việc chẳng hạn như “Thấy ai cần hầu hạ, hiện làm người tôi tớ, làm vui lòng họ rồi, mới khiến phát đạo tâm”. Chính nhờ những việc như vậy, nhờ những phương tiện như vậy, chúng ta có thể mở rộng – hay đào sâu, tùy cách nói – tâm chúng ta, để nó càng ngày càng tương ưng, thể nhập tánh Không, tức là pháp tánh hay Pháp thân. Thành thử những hoạt động ở trên không chỉ là những thị hiện của chư vị đại Bồ tát, của chư Phật, mà trong đời sống bình thường chúng ta cũng có thể “thị hiện” như vậy ở mức độ của chúng ta để khai thác kho tàng trí huệ nhìn thấy tánh Không và từ bi sẵn sàng “ứng hiện” cho bất cứ ai cần.

Ở đây chúng ta lại thấy tính bình đẳng và tự do của đạo Phật: như đại dương chỉ có một vị, tùy người muốn múc nhiều hay ít thì có nhiều hay ít, nhưng tất cả cũng chỉ một vị. Như hư không không ngăn ngại ai vào, không ngăn ngại người hưởng nhiều người hưởng ít, nhưng dù chỉ trong nắm tay hay cả bầu trời, cũng chỉ là hư không. Với đại dương không phải múc chỗ này mới có vị mặn, chỗ kia không có; với hư không không phải ở đây mới tìm ra, kia không thể tìm ra. Nhìn một cách sâu xa, tính bình đẳng, tự do, phổ quát đó chính là sự không có điều kiện của pháp tánh.

Đời sống này, bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, đều là cơ hội để thâm nhập và biểu hiện tánh Không và từ bi. Đây là sự giàu có của người tu hành đạo Bồ tát.

Lại một lần nữa, chúng ta nghe về Bồ đề tâm: “Đạo vô lượng như vậy, chỗ hành không bến bờ, trí huệ không biên giới, độ thoát vô số chúng… Ai nghe pháp như thế, chẳng phát Bồ đề tâm?” Cũng ở mức độ của một đời sống bình thường, chúng ta có thể định nghĩa Bồ đề tâm là một tâm liên tục hướng đến và an trụ trong bản tánh của chính nó, tức là tánh Không (nghĩa là Vô tướng, Vô niệm và Vô trụ) đồng thời hưng vận lòng bi để sẵn sàng””ứng hiện” ra hành động vì người khác.

 

SHARE:

Để lại một bình luận