Như Lai Thọ Lượng

SHARE:

MƯỜI TƯ TƯỞNG PHÁP HOA TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Tác Giả: Đương Đạo, Thiện Tri Thức 2003

1. Mở Đầu
2. Đều Đã Thành Phật Đạo
3. Thọ Ký
4. Nhất Thừa
5. Hiện Bảo Tháp
6. Tùng Địa Dũng Xuất
7. Như Lai Thọ Lượng
8. Như Lai Thần Lực
9. Tin Hiểu
10. Sống Trong Pháp Hoa
11. Quảng Bá Pháp Hoa
12. Lời kết

Như Lai Thọ Lượng

Để trả lời cho sự nghi nan của đại chúng ở phẩm trước, tại sao đức Phật mới giác ngộ được mấy mươi năm lại có vô số đệ tử là các Đại Bồ tát tùng địa dũng xuất đã tu hành lâu xa như vậy, tại sao cha trẻ mà con già, trong phẩm Như Lai Thọ Lượng, đức Phật nói rằng :

“Thật sự, Như Lai thành Phật đến nay đã vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức trăm triệu kiếp. Ví như trăm nghìn muôn ức trăm triệu vô số cõi tam thiên đại thiên, giả sử có người đem nghiền thành bụi nhỏ, đi về hướng đông, cách khoảng năm trăm nghìn muôn ức trăm triệu vô số cõi nước mới bỏ xuống một hạt bụi nhỏ ấy. Cứ đi mãi về hướng đông bỏ xuống như thế cho đến hết tất cả số bụi nhỏ đó. Các thiện nam tử ! Ý các ông nghĩ sao ? Các thế giới đó có thể suy nghĩ tính đếm được số lượng chăng ?”

Di Lặc Bồ tát và đại chúng đồng bạch Phật là không thể. Bấy giờ Phật bảo đại chúng Bồ tát : “Các thiện nam tử ! Nay ta sẽ tuyên nói rõ ràng cho các ông. Bao nhiêu cõi nước đó, có được bỏ hạt bụi xuống hay không, đều đem cả hết nghiền thành bụi nhỏ, cứ một hạt bụi là một kiếp, thì Như Lai thành Phật đến nay, còn lâu hơn số đó trăm nghìn muôn ức trăm triệu vô số kiếp. Từ đó đến nay, Như Lai thường ở cõi Ta Bà này mà thuyết pháp giáo hóa, cũng ở trong trăm nghìn muôn ức trăm triệu vô số cõi nước khác, dẫn dắt lợi lạc cho chúng sanh. Trong thời gian ấy và trong những quốc độ ấy, Như Lai tự nói đến các đức Như Lai khác, như Phật Nhiên Đăng, lại nói đến sự nhập diệt của các đức Như Lai ấy…”

Đây là sự thành Phật lâu xa (cửu viễn thành Phật) hay là Thọ Lượng của Như Lai. Sự thành Phật lâu xa đó được đức Phật lấy một thí dụ để chúng ta hiểu được rằng đức Phật đã thành Phật từ thời gian vô thủy. Trong quá khứ từ thuở vũ trụ mới tạo thành, chưa từng có một sát na thời gian nào mà Như Lai chưa từng thành Phật. Và hơn nữa cái thời gian lâu xa ấy được diễn tả bằng hình thức không gian là vô số hạt bụi nhỏ, số hạt bụi nhỏ ấy còn nhiều hơn số hạt bụi có thật trong vũ trụ của chúng ta, đến độ chúng ta hiểu được rằng về mặt không gian, không có một hạt bụi nào của vũ trụ này không có sự thành Phật lâu xa của Như Lai. Tất cả những phần tử nhỏ nhất của vũ trụ này đều nằm trong sự thành Phật lâu xa của Như Lai, trong Thọ Lượng của Như Lai.

Nói một cách khác, không có một sát na nào của thời gian, không có một vi trần (hạt bụi nhỏ) nào của không gian mà không đầy ắp sự thành Phật đã lâu xa của Như Lai, không đầy ắp ánh sáng giác ngộ và lòng từ bi vô lượng của Như Lai. Tất cả những phầøn tử nhỏ nhất của thời gian và không gian, tất cả vốn đã tự viên thành, vốn đã hoàn thiện, vốn là Đại Toàn Thiện, vốn là Phổ Hiền (Samanta-bhadra – dịch đúng nghĩa là Tất Cả Toàn Thiện, All Good).

Chúng ta không nói thêm nữa ở đây, mà mỗi người tùy theo căn tánh, khuynh hướng mình phải Tin Hiểu (Tín Giải) cho được phần nào Thọ Lượng Như Lai. Các vị tổ ngày xưa lấy kinh Pháp Hoa để lập tông phái như ngài Thiên Thai Trí Giả ở Trung Hoa, ngài Nhật Liên ở Nhật Bản và các vị khác ở các tông phái khác đều cho rằng phẩm Như Lai Thọ Lượng là phẩm quan trọng nhất của Pháp Hoa, cũng là phần chính hiển bày Bổn Phật trong phần Bổn môn. Người nào tin hiểu được việc thành Phật lâu xa này, người ấy dự phần vào thọ mạng vô thủy vô chung của Phật. Người ấy thấy biết rằng đời sống mình nở bừng tràn lan khắp vũ trụ, không còn bị giới hạn bởi thời gian, không gian, mạng sống mình là vô thủy vô chung, mỗi cuộc đời của mình chỉ là một bọt nước trên đại dương vĩnh cửu, do đại dương ấy ứng hóa ra. Người ấy có chỗ an trụ vĩnh cửu, chỗ quy y thường trụ, an lập thời gian sanh tử của mình ở trong Phật, trong sự thành Phật lâu xa của Phật, trong Thọ Lượng của Như Lai, như một giọt nước vĩnh viễn an toàn trong đại dương.

Sự tin hiểu này đưa người thọ trì kinh Pháp Hoa thấy được Như Lai Thọ Lượng tức là Quả của Phật. Công đức của việc tin hiểu ấy được nói đến trong phẩm sau, tức phẩm Phân Biệt Công Đức thứ mười bảy như sau :

“Lúc bấy giờ trong đại hội nghe đức Phật nói thọ mạng kiếp số dài lâu như thế, vô lượng, vô biên, vô số chúng sanh được lợi ích lớn : có sáu trăm tám muôn ức trăm triệu hằng hà sa chúng sanh được Vô sanh pháp nhẫn. Lại có Đại Bồ tát nghìn lần gấp bội được môn Văn trì đà la ni… Lại có một tứ thiên hạ vi trần số Đại Bồ tát một đời sẽ được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lại có tám thế giới vi trần số chúng sanh đều phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác”. (Tất cả gồm mười hai công đức thứ bậc.)

Rồi phẩm Phân Biệt Công Đức kết thúc như vầy :

Kính giữ Pháp Hoa
và làm như vậy
công đức người ấy
không thể lượng định
………………………
Vì chỗ con Phật
cư trú như vậy
cũng chính là chỗ
Như Lai sử dụng
thường xuyên cư trú
kinh hành, nằm ngồi.

Một người tin hiểu Như Lai Thọ Lượng thì chỗ cư trú sinh hoạt của người đó chính là chỗ cư trú và sinh hoạt của Phật. Người đó vĩnh viễn có Phật ở với mình.

Dầu chỉ một niệm tin hiểu sự vĩnh cửu của thọ mạng Như Lai, tin hiểu rằng chúng ta đang sống trong thọ mạng vĩnh cửu của Phật, rằng tất cả “đều đã thành Phật đạo”, sự tin hiểu đó đưa người ấy vào biển đại an lạc, đại tịch diệt của Như Lai, cũng tức là Phật Tánh Tự Tâm mình.

Một đặc sắc của kinh Pháp Hoa không chỉ là chỉ bày cho chúng ta Bổn Phật có tính cách Pháp thân như thế, mà với “thần lực cực kỳ siêu việt”, Phật thường hiện khắp thế gian cho các chúng sanh. Ở đây Bổn và Tích là một. Sự tin hiểu vào Bổn Phật (Pháp thân) khiến cho chúng ta thấy Tích Phật (Hóa thân) cũng thường trụ nơi thế gian :

Nhưng thật Như Lai
không có nhập diệt
mà thường ở đây
thuyết pháp giáo hóa.
Như Lai thường ở
tại quốc độ này
nhưng vì thần lực
cực kỳ siêu việt
nên mọi chúng sanh
điên đảo vọng tưởng
Như Lai bên cạnh
mà vẫn không thấy
……………………
Khi họ tin tưởng
chân thành, ôn nhu
thiết tha muốn được
nhìn thấy Như Lai
mà không tiếc nuối
đến cả tính mạng
bấy giờ Như Lai
cùng với Tăng chúng
đồng xuất hiện ra
tại Linh Sơn này
……………………
Thần lực Như Lai
là như thế ấy
thường ở Linh Sơn
cùng với bao nhiêu
chỗ ở khác nữa.
Chúng sanh nhìn thấy
thì thấy hoại kiếp
lửa dữ đốt cháy
cả quốc độ này.
Nhưng chính lúc ấy
quốc độ Như Lai
vẫn thường an ổn
chư thiên nhân loại
vẫn thường tràn đầy
trong quốc độ ấy.

Tóm lại, Bổn ở đâu thì Tích ở đó, Bổn ở khắp tất cả thời gian tất cả không gian thì Tích cũng ở khắp tất cả thời gian tất cả không gian. Nơi nào có Thọ Mạng của Như Lai thì nơi đó có hiện thân của Như Lai, nơi nào là Thọ Mạng của Như Lai thì nơi đó là hiện thân của Như Lai. Ở đâu có nước (tâm thanh tịnh) ở đó có mặt trăng hiện hình.

Một trong những cái Diệu của kinh Pháp Hoa là không tách biệt hẳn hòi giữa Pháp thân, Báo thân và Hóa thân – không phải như các nhà học giả nghiên cứu bằng trí thức nghĩ rằng Pháp Hoa là một trong những kinh Đại thừa xuất hiện trước tiên, nên chưa phân biệt rõ ràng Pháp, Báo và Hóa thân. Ở đây chỉ có sự tin hiểu mới có thể cảm nhận được cả ba thân vô ngại với nhau, cả ba là một. Chỉ có đức tin mới thấy được rằng tất cả chúng sanh chúng ta đang sống trong một thế giới trùng trùng vô tận Phật trong cả ba cấp độ Pháp thân, Báo thân và Hóa thân.

Cũng trong phẩm Như Lai Thọ Lượng này có đoạn nói về cái thấy biết như thật của Phật, cái thấy biết trong Pháp thân và cả Báo thân, Hóa thân :

“Vì Như Lai đúng như thật thấy biết tướng của ba cõi mà thấy ba cõi không sanh không tử, không biến mất không hiện ra, không tồn tại không nhập diệt, không thật không giả, không như nhau không khác nhau. Chẳng phải như cách ba cõi nhìn thấy ba cõi, Như Lai thấy rõ những thứ ấy như thế, không chút sai lầm”.

Chúng ta nhớ lại đoạn nói về thật tướng của các pháp trong phẩm Phương Tiện thứ hai :

“Chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu tột thật tướng của các pháp, nghĩa là các pháp : tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhơn như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, cả thảy trước sau đầu cuối rốt ráo như vậy”.

“Không sanh không tử, không biến mất không hiện ra, không tồn tại không nhập diệt…” và “cả thảy trước sau đầu cuối rốt ráo như vậy” bởi vì tất cả các pháp được đóng dấu bởi cái ấn “thành Phật lâu xa”, “Như Lai Thọ Lượng”. Ở đây tư tưởng “Đều đã thành Phật đạo” được hiểu lại trên một cấp độ mới, tột rộng và tột sâu, ở cấp độ pháp giới. “Đều đã thành Phật đạo” bởi vì đã thành Phật lâu xa, bởi vì đều nằm trong Như Lai Thọ Lượng.

Phẩm Như Lai Thọ Lượng nói riêng và kinh Pháp Hoa nói chung trình bày cho chúng ta Quả Phật thay vì Nhân để thành Phật. Bởi thế kinh ít nói đến sáu ba la mật, những nhân để tu hành thành Phật. Pháp Hoa là cái Quả đức Phật đã thành từ lâu xa và khai thị ngộ nhập cho chúng ta để chúng ta thấy xưa nay mình vẫn ở trong Quả Phật đó. Nói một cách thế phàm, Pháp Hoa là Quả để chúng ta tin hiểu và thọ dụng, chứ không phải bắt đầu công phu gieo trồng vun bón gì cả. Tất cả mọi sự đã được đức Phật làm xong rồi, chúng ta không cần phải làm gì nữa cả. Cái khiến Pháp Hoa được xem là cao quý nhất là ở chỗ đó : hành giả ở trong Quả và hưởng thụ Quả chứ không bắt đầu gieo nhân. Và đại sự nhân duyên của Phật ra đời cũng chính là ở chỗ đó : khai thị ngộ nhập cái Quả mà Phật đã “cửu viễn thật thành”, (nếu không thế thì Phật không cần ra đời, mà các vị Bồ tát giáo hóa về các nhân để tu hành là đủ).

Nhưng cũng chính trong phẩm Như Lai Thọ Lượng này, đức Phật nói : “Các thiện nam tử ! Ta xưa tu hành đạo Bồ Tát, cảm thành thọ mạng, nay vẫn chưa hết, lại còn hơn số trên…” Nghĩa là trong khai thị ngộ nhập Quả nhưng vẫn không quên nói đến nhân (hạnh Bồ Tát), tuy nói đến tánh đức vẫn không lơ là với tu đức. Nói về Bồ Đề tâm tuyệt đối vẫn không bỏ qua Bồ Đề tâm tương đối, hiển bày chân lý tuyệt đối vẫn không coi thường chân lý tương đối. Bởi thế tuy Pháp Hoa triển khai từ Quả, mà không bỏ nhân, bởi thế từ sau phẩm này, Pháp Hoa nói về Hạnh, từ những hạnh của người thọ trì giảng nói Pháp Hoa cho đến hạnh của các Đại Bồ tát như Quán Thế Âm, Dược Vương v.v… và chấm dứt bằng chương Phổ Hiền Bồ tát (tức là Bồ tát của Đại Hạnh).

Nói theo ngôn ngữ Pháp Hoa, Bổn phải phối hợp với Tích, Quả phải được triển khai thấu suốt để hợp nhất với nhân, căn bản trí phải nối kết với hậu đắc trí hay sai biệt trí. Đó là điều chúng ta cần nhớ trong chương này, để đi vào các chương sau nói về Hạnh.

SHARE:

Để lại một bình luận