SHARE:
ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH
Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của
Beru Khyentze Rinpoche – dịch từ tiếng Tây Tạng và biên tập bởi Alexander Berzin
Văn phòng Dịch thuật Thư Viện những Tác phẩm và Văn thư Lưu trữ của Đức Dalai Lama
Việt dịch: Đương Đạo – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001 TTT-19-2545/09-01
Tiếp theo là sự giới thiệu vào sau khi đã nhìn thấy tâm an định và tâm chuyển động là một hay khác. Khi con đã phân tích tâm an định và tâm chuyển động là một hay khác, con hiểu từ bản tánh của hai cái để làm thế nào đem những tư tưởng vào tham thiền, vì hai tâm ấy chỉ là một. Cách thức hiện diện của chúng là chúng lần lượt nối nhau. Khi tâm an định, nó không chuyển động và khi nó chuyển động, nó không an định. Nhưng tác nhân cho cả hai chỉ là tâm độc nhất và bản tánh của cả hai là sáng tỏ, rỗng rang sáng ngời. Không có gì ngoài tâm tánh ấy.
Hơn nữa, không phải sau khi con khởi lên một tư tưởng mà con mới thấy sự rỗng rang sáng ngời đó. Cũng không phải tư tưởng biến mất thì nó tan vào tánh Không sáng tỏ hay có tư tưởng khác thế vào chỗ của nó. Hơn nữa, những tư tưởng bất chợt khởi lên chính bản thân chúng là tánh Không sáng tỏ. Khi con đạt được cái quán chiếu hay hiểu biết này, con biết tánh thường trụ của tâm.
Trạng thái an định và trạng thái chuyển động có thể ví như những ngón tay của cùng một bàn tay.
Cả hai đều cùng một bản tánh như bàn tay, nhưng nếu là ngón này thì không phải ngón kia.
Khi tâm an định, nó là một cái rạng rỡ trong sáng trong trạng thái vô niệm. Khi nó chuyển động với những tư tưởng, bản tánh của chính những tư tưởng này là cái rỗng không rạng rỡ. Không có gì khác ngoài cái ấy.
Khi con có quán chiếu rằng mọi hình tướng, mọi cảnh chỉ là những vẽ vời của tâm như những sóng trên nước và rốt ráo không thể kiến lập như một hiện hữu thật sự, độc lập, đây là sự nhận ra những hình tướng là tâm. Khi con phân tích bản tánh của tâm này để thấy nó có đi, có ở, có đến hay không và có quán chiếu rằng tâm không thể kiến lập như có đi, có ở, có đến, như ngựa, voi trong mộng, rốt ráo không có hiện hữu thực sự, đây là sự nhận ra tâm là tánh Không.
Hơn nữa, khi con có quán chiếu rằng những hình tướng khác nhau tự nhiên khởi lên từ tánh Không sáng tỏ thanh tịnh mà không ngăn ngại như mặt trăng trong nước, đây là sự nhận ra tánh Không là tự nhiên khởi. Tánh giác rỗng sáng tự nhiên khởi lên này tự tại với mọi tạo tác của tâm thức, không biến đổi, không tách lìa ngăn che với Đại lạc và nó tự nhiên khởi lên như vậy. Khi con tin chắc rằng nó khởi lên và lặng xuống ngay cùng khoảnh khắc như sự cuốn lại và mở ra của một con rắn, đây là sự nhận ra tự khởi và tự lặng đồng nhất.
Cái tâm mà con cần nhận biết là cái giác bình thường, nó có thể tưởng ra bất cứ cái gì và mọi sự, cái giác đó là hoàn toàn giác và hoàn toàn vô ngại tùy duyên. Bản thân nó được gọi là sự hợp nhất của sáng tỏ và tánh Không, Đại Lạc, Đại Ấn, cái Ấn Vĩ Đại của tánh Không. Khi con nhận ra nó, đây gọi là quán chiếu của Đại Ấn. Bởi thế hãy đặt tâm con vào trạng thái tánh giác của chính nó mà không có gì để thiền định về và không để cho nó lang thang dù chỉ một khoảnh khắc. Hãy buông xả và thong dong không có bất kỳ hy vọng và lo sợ nào, hy vọng thiền định của con sẽ tốt hay sợ nó sẽ xấu. Do hộ trì trạng thái tự nhiên của cái giác bình thường của con, con sẽ nhìn thấy trong khoảnh khắc này của tại đây và bây giờ Đại Ấn của tánh Không như sự mở rộng trong sáng của không gian quang đãng.
Bây giờ định đã được hòa nhập với quán, những kinh nghiệm cao cả và những quán chiếu siêu việt sẽ xảy ra. Đây là thực sự đi vào con đường Giải Thoát. Tánh Không là sự hiện hữu của tâm, sáng tỏ là đặc tính biểu lộ của tâm, và sự hợp nhất của hai cái ấy là bản tánh của tâm. Có nhiều tên để gọi cái sáng rỡ sống động này với bản tánh an lạc, sáng tỏ và trần trụi (vô niệm). Nó vượt khỏi mọi biên kiến của tâm thức tạo tác như tốt hay xấu, sanh, trụ, diệt, có và không, thường hay vô thường, nó vượt khỏi mọi ngôn ngữ, tư tưởng, không thể định nghĩa nhưng có thể kinh nghiệm. Nó được gọi là tinh túy của tánh giác nguyên sơ vĩ đại, cái hiện tiền tự nhiên vĩ đại, tánh thường trụ của cách thức trong đó mọi vật hiện hữu, tánh giác thanh tịnh, bản tánh chân thật của mọi sự vật, tánh bình đẳng của của sanh tử và Niết Bàn, là Đại Lạc, Phật tánh, trí huệ ba la mật, toàn giác, tánh Không thường trụ tối thượng…
Bởi vì mọi vật được hiểu bởi tâm nên cái đó được gọi là Duy Tâm. Bởi vì nó thoát khỏi mọi cực biên hay ở giữa, nên gọi là Trung Đạo. Bởi vì nó khó hiểu đối với mọi người, nên nó là cái che dấu, hay Tantra bí mật. Bởi vì nó phá hủy mọi vọng tưởng mê lầm, nên gọi nó là Kim Cương thừa. Bởi vì nó thấy tinh túy của Phật quả, nó gọi là Pháp Thân.
Tóm tắt, cái mà con phải nhận biết thì thoát khỏi mọi thi thiết giả tạo của tâm thức vốn bám lấy nhị nguyên, nói cách khác đó là tánh giác nguyên sơ của bất nhị, tánh bình đẳng của sanh tử và Niết Bàn, Đại Lạc thoát khỏi tạo tác nhân duyên, Đại Ấn của tánh Không. Hơn nữa, con phải trôi nổi trên đại dương sanh tử với cái nhìn thành tâm và sự kính trọng thương yêu (đối với Guru của con), người mà con xem là cốt yếu để sống còn. Rồi hãy liên tục ở cạnh ngài để xin gia hộ mà không bao giờ cảm thấy đủ. Và rồi hãy tin chắc sự gia hộ và những ban phước của ngài đổ xuống trên con.
Khi con nhận ra rằng có cái tánh sáng rỡ rõ ràng này như là phần của bản thân con, không ngăn che, không ẩn kín, hiện tiền rõ ràng, con đã đạt đến Đại Ấn nền tảng. Nhìn vào tánh ấy là Đại Ấn con đường. Chứng ngộ tánh ấy hoàn toàn tin chắc là Đại Ấn quả. Bởi thế hãy hoan hỷ tự tu theo như vậy.
Bây giờ sự có được thân người đã trở thành có ý nghĩa. Con đã thực sự bước vào con đường Giải Thoát và làm cho sanh tử có lúc kết thúc. Bởi thế hãy tham thiền tốt và với sự vui mừng, và trau dồi như vậy trong một thời gian dài. Điều ấy cực kỳ quan trọng. Đã nhìn vào tâm an định và tâm chuyển động và đã được đưa vào bản tánh của chúng, con đã nhận ra rằng những hình tướng là tâm, tâm là tánh Không, tánh Không là tự nhiên tự khởi tự lặng, nghĩa là Tịch Diệt. Đây là Đại Ấn, ngón tay chỉ thẳng Pháp Thân. Hãy trau dồi sự thực hành đại ấn liên tục. Hãy theo nó cho đến cùng. Không để cho nó chỉ là một kiến thức khô cứng, hãy chắc chắn đặt nó lên dòng tâm thức của con. Đây là điểm thứ tám của Thiền quán.
Đây là phần chính của bản văn, giới thiệu vào định và quán. Trước hết con cần tập trung vào việc thấy tánh của tâm và rồi dần dần con sẽ nhận ra nó tùy theo những kinh nghiệm khai mở và sự hiểu biết về những kinh nghiệm đó. Tất cả chúng đều tương quan với nhau. Trong những bản văn khác, có thể có những khai thị phù hợp với mỗi cách với những kinh nghiệm sanh khởi và được hiểu, điều đó là đúng. Nhưng ở đây ta đã liên kết sự khai thị hợp với bốn cách nhìn và không dùng nhiều lời. Những đưa vào này phù hợp với những quán chiếu chân thật và đạt đến thật nghĩa, phải được phối hợp và áp dụng bởi từng cá nhân theo căn cơ và những quán chiếu tiến bộ của nó. Điều ta đã viết ra, phù hợp với cách thức chung nhờ đó những kinh nghiệm khai triển và những chứng đắc đạt được.
Nếu từ ban đầu con được giới thiệu, khai thị về bản tánh (trước khi con đã sẵn sàng), sự khai thị có thể làm con nhàm chán. Nếu một người đã quen với Pháp trở nên nhàm chán, những kinh nghiệm và quán chiếu sẽ khó phát triển nơi dòng tâm thức của nó. Bởi thế ta đã sắp đặt cách sự giới thiệu, khai thị được làm như ở đây để loại bỏ mối nguy hiểm kia. Đến đây kết thúc phần chánh của sự thực hành.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS