SHARE:
ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH
Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của
Beru Khyentze Rinpoche – dịch từ tiếng Tây Tạng và biên tập bởi Alexander Berzin
Văn phòng Dịch thuật Thư Viện những Tác phẩm và Văn thư Lưu trữ của Đức Dalai Lama
Việt dịch: Đương Đạo – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001 TTT-19-2545/09-01
Nếu con tu hành bằng cách nhìn vào bản tánh của tâm như thế theo những chỉ dạy miệng về tâm, thì thực sự không cần vị Thầy phải làm cho con nhận biết bản tánh đó. Nó sẽ tự hiển lộ với con từ bên trong. Tuy nhiên có một số người không nhận ra nó dù điều đó đang xảy ra. Những người khác chỉ có một hiểu biết trí thức khô khan về nó do nghe và đọc và mặc dầu họ không chịu khai triển kinh nghiệm hoặc quán chiếu lại nói rằng họ có nó và diễn tả nó theo Thiền ngữ. Vị Guru phải có thể phân biệt những loại người này và về phần đệ tử phải thực hành bằng cách đem tất cả những chỉ dạy đó vào trong tâm mình.
Sau khi bạn đã khảo sát hay nhìn vào bản tánh của tâm và đạt đến một xác quyết về nó, bạn phải kinh nghiệm nó trong thiền và nhận ra kinh nghiệm theo điều bạn đã xác định trước đây. Bởi thế vị Guru là cần thiết, vì qua những đối đáp và chất vấn ngài sẽ dẫn bạn đến sự xác quyết về tánh của tâm bạn và ấn khả cho bạn khi bạn đã có một kinh nghiệm tham thiền chân thật hay một quán chiếu, một cái thấy rõ ràng về nó. Đây là điều có nghĩa là một vị Guru khai thị cho bạn, làm cho bạn nhận biết bổn tâm hay nói chính xác, giới thiệu cho bạn vào trong nó.
Sau đây là cách thứ nhất để làm cho những người mới học nhận ra bản tánh của tâm khi họ nhìn thẳng vào nó. Hãy nhìn vào bản tánh của tâm an định theo cách đã làm ở trước. Bản tánh của tâm an định là một cái sáng ngời, trong trẻo và sống động chứ không phải là một cái trống không vô vị. Trong trạng thái an định này có một cái biết sáng tỏ, rỗng rang, rực rỡ, lưu thông không thể định nghĩa. Con không thể nói nó giống cái này cái kia, có màu này, dạng kia… Nó không thể diễn tả bằng lời hay xác định là cái này cái kia. Dầu nó không thể nhận dạng, cái biết nguyên sơ, thanh tịnh, sáng rỡ, sống động soi chiếu rõ ràng mọi vật không ngăn ngại vẫn thường trực nơi con trong mọi lúc. Cái giác này không phải là cái gì trước kia con chưa từng thấy mà bây giờ mới thấy ; hay trước kia con chưa từng kinh nghiệm mà bây giờ mới kinh nghiệm.
Nó luôn luôn có mặt như vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì tánh của tâm là thường trụ.
Nhưng con phải biết từ những chiều sâu của lòng con rằng nó không thể chỉ ra hay nói giống thế này thế kia.
Nếu con chỉ có một hiểu biết khô khan, tự mãn của trí thức rằng nó là một trạng thái sáng tỏ và tánh Không trong sáng, rực rỡ, không thể định nghĩa, thì con sẽ không có tiến bộ nào. Bởi thế, chớ làm như vậy. Nhưng nếu sự thấu hiểu này được rút ra từ trong sự thực hành tham thiền của chính con, bấy giờ con thật sự đã có sự quán thấy sâu xa vào bản tánh của tâm an định. Bởi thế ngoài sự tham thiền rõ ràng trước mắt một cách có ý thức về bản tánh, không có cách gì để thấy nó.
Nếu vị Thầy giới thiệu con vào nó sớm quá, con sẽ bị kẹt vào vào cái hiểu trí thức khô khan và sẽ dần dần chán nản. Bấy giờ bất kể những thứ gì khác ngài cố giảng giải cho con, chúng cũng chỉ sẽ gây tai hại. Bởi thế vị Thầy không nên cố gắng làm cho con nhận biết tánh trước khi con đã sẵn sàng thấy tánh.
Nếu vị Thầy cố gắng làm cho bạn nhận ra tánh trước khi bạn đã có kinh nghiệm tham thiền nào, bạn sẽ chỉ có một cái hiểu trí thức. Bởi vì sự tự mãn của bạn, bạn sẽ trở nên khô chán, mất đi mọi cảm kích, mến phục sự sâu xa của những giáo lý. Cố chấp và hạn hẹp, bạn sẽ cảm thấy mình đã hiểu mọi sự và do đó sẽ làm hư hỏng mọi nỗ lực của Guru để dạy cho bạn. Như một tảng đá trong nước, bạn sẽ không hấp thụ thứ gì ngài nói và như vậy bạn sẽ không thể nào tiến bộ. Bởi thế tốt hơn là Guru nên giữ gìn không dạy bản tánh của tâm, vì e rằng ngài làm điều đó sớm sẽ làm đệ tử chán nản, khô kiệt.
Nếu con không cắt đứt dòng tư tưởng của con, con sẽ không thấy tánh của tâm an định. Nếu không thấy bản tánh này, con không thể nhận ra nó là gì. Và nếu không nhận ra nó, bấy giờ sự tham thiền của con sẽ không trở thành một con đường thật sự.
Khi con có những kinh nghiệm và những ân huệ tuyệt vời trong tham thiền, hãy nhìn vào chúng. Dù khi sự việc diễn tiến nghèo nàn, hãy cố gắng lập đi lập lại gia tăng sự sáng tỏ.
Nói cách khác, khi bạn đau đớn, chớ buông lung mà hơn nữa hãy nhìn vào bản tánh của cái tâm đang kinh nghiệm sự đau đớn đó và cố gắng tăng cường và chú tâm vào sự sáng tỏ của nó. Điều này tương tự với kỹ thuật được dùng để loại trừ vọng tưởng lang thang trong những thiền định quán tưởng tantra, cụ thể là tăng cường sự sáng tỏ của quán và những hoạt động lạc lõng của tâm thức sẽ biến mất.
Chỉ dạy những phương pháp để trau dồi loại thực hành như vậy gọi là giáo huấn bằng miệng. Khi con biết làm thế nào để tham thiền, đó gọi là giáo huấn bằng miệng kết thúc. Bấy giờ nếu con tu hành trạng thái này mà không có vọng động nào, thì sẽ không có khó khăn trong việc khai triển những kinh nghiệm và quán chiếu. Bởi thế, để chắc chắn đạt được bản tánh sau khi đã thấy nó và đã cắt đoạn mọi nghi ngờ của con, cần thiết có một Guru giới thiệu con vào nó (nói cách khác, làm cho con nhận ra nó).
Tổng quát, có hai điều cần trong tham thiền, là định và quán. Định là khi tâm con đã được đặt trong trạng thái tự nhiên, buông xả của nó và con đã có sự an trụ tâm trong trạng thái tự nhiên, sáng rỡ của nó sau khi mọi tư tưởng đã bình lặng trong chỗ của chúng (đã nhìn vào chúng ngay khi chúng sanh khởi). Tâm thức quy ước của con không buông lung trong động niệm nào về những ràng buộc của đời sống thế gian này. Nó an lạc và thanh tĩnh, tất cả vọng tưởng bình lặng trong một giấc ngủ ngon. An định nhất tâm vào bản tánh của đức hạnh, tâm con trụ bất cứ nơi đâu mà con đặt để nó bao lâu con muốn. Nó nằm dưới sự kiểm soát, điều khiển của con. Thậm chí con không cảm thấy hơi thở ra vào nữa. Nếu tham thiền của con như vậy, đó là một trạng thái đặc trưng của định.
Những kinh nghiệm và ân huệ vụt sáng của an lạc, sáng tỏ và vô niệm là rất quan trọng. Dù chúng không được coi như là những quán chiếu, nhưng con không thể quán chiếu nếu không có chúng. Nếu con trau dồi chúng mà không có bất kỳ bám luyến hấp dẫn nào và ở yên trong trạng thái định này mà không để mình sa vào bất kỳ loại hôn trầm, dao động hay vô ký nào, con sẽ đến chỗ biết và kinh nghiệm bản tâm con là gì – dù không thể diễn tả nó, vì nó vượt khỏi mọi ngôn ngữ, tư tưởng. Nó không thể nói, như lạc thú tình dục của một người trưởng thành trẻ tuổi. Là một hợp nhất của sáng tỏ và tánh Không, nó thoát khỏi mọi cực đoan do tâm thức tạo tác, và không thể định nghĩa. Nó không biến chất bởi bất kỳ tư tưởng ý niệm nào về Pháp. Nó không nhiễm ô bởi bất kỳ tư tưởng ý niệm nào thuộc thế gian. Nó không thể dính dáng với tư tưởng ý niệm nào, đó là một trạng thái vô niệm hay một trạng thái của định.
Một cái giác ở trong trạng thái của chính nó, ở nơi mức độ của chính nó, trong nơi chốn của chính nó được gọi là nguồn gốc của tất cả những phẩm tính thiện, tốt lành, cái tâm bình thường hay đơn giản, tâm. Nếu con không biết nó, con có vô minh hay không tỉnh giác và vòng sanh tử luân hồi. Nhưng nếu con biết nó, đó gọi là tỉnh giác, tánh giác nguyên sơ, Niết Bàn, tánh giác bổn nguyên của sự đồng thời, trạng thái bổn nguyên, Tịnh Quang, hay quán chiếu. Thế nên ngay đây con cần phân định rõ ràng khởi nguồn của sanh tử hay Niết Bàn.
Nếu bạn nhận biết tâm, nó là Niết Bàn ; nhưng nếu bạn không nhận biết tâm, nó hiện cho bạn sanh tử. Như thế bản tánh của sanh tử và Niết Bàn là một. Sự khác biệt của chúng tùy theo sự tỉnh giác của bạn về bản tánh của chúng hay không.
Khi Thầy của con đưa con vào bản tánh của tâm, con sẽ nhận biết nó như gặp một người bạn cũ bạn từng biết đã lâu. Một sự nhận ra như vậy gọi là nhận biết tâm. Tánh đó không phải là cái gì tạo ra bởi trí thông minh phân biệt lớn lao của đệ tử hay lời chỉ dạy miệng thiện xảo của một vị Thầy.
Nó luôn luôn có mặt ở đây và là cái gì bạn có thể nhận ra chỉ qua thực hành thiền.
Từ vô thủy tâm con vốn đã như vậy, nhưng vì vọng tưởng che mờ, nên con không nhận ra nó. Nhưng giờ đây dòng tư tưởng của con đã bị cắt và con được dẫn nhập vào nó, con biết nó.
Tâm là sự sáng tỏ nguyên thủy không thể ý niệm. Dù nó vô tự tánh, tuy nhiên nó tùy thuận cho những hình tướng trong sáng. Tính chất của tâm là vốn là tánh giác sáng tỏ, trống không. Nó nguyên sơ và tỉnh giác không hề gián đoạn. Đó là tánh. Khi con có một nhận biết rõ ràng về nó, hãy trau dồi sự nhận biết đó mọi lúc mọi thời không xao lãng. Những lợi lạc từ đó thì vượt ngoài mọi tưởng tượng.
Bởi thế khai triển quán chiếu thấu suốt vào tánh của tâm an định và nhận ra nó, đó là sự giới thiệu, khai thị thực sự đầu tiên của vị Thầy. Hãy đem nó vào lòng, thực hành nó và trau dồi, nuôi dưỡng nó một cách liên tục. Điều này cực kỳ quan trọng. Đây là điểm thứ năm của thiền quán : nhận ra tánh của tâm và hộ trì nó.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS