NHẠY CẢM VÀ THÔNG CẢM

SHARE:

Có sự khác nhau rõ rệt giữa thông đạt và thông cảm. Khi ta thông đạt, ta san sẻ chia sớt những lý tưởng bằng những danh từ khả ái hoặc khả ố, bằng những biểu tượng, bằng những cử chỉ, và những ý tưởng ấy có thể được thông diễn trên bình diện ý thức hệ hay diễn giải tùy theo các sắc thái đặc thù, các tính khí, theo những qui định tâm thức của mỗi người. Nhưng thông cảm thì khác hẳn. Trong ấy không có sự san sẻ chia sớt, cũng không có sự diễn giải những ý tưởng. Dù có hay không có ngôn từ trao đổi, niềm thông cảm vẫn trực tiếp kết liền ta với điều ta quán sát, và mỗi người tự thông cảm với tinh thần và tâm tư của chính mình. Chẳng hạn, thông cảm phát sinh với một cội cây, một trái núi hay một dòng sông. Không biết có bao giờ các ngài yên ngồi dưới một tàng cây và thật sự thử thông cảm với nó hay chăng.

Đây không phải là đa tình hay đa cảm gì cả. Ta tiếp xúc trực chỉ với cội cây ấy. Ở đó có sự mật thiết lạ lùng của sự tương liên. Để có mối thông cảm như vậy, cần có sự tịch lặng, cần có niềm tịnh định sâu mầu; các thần kinh, cả thể xác đều an nhàn ung dung: cả trái tim hầu như ngừng đập. Bấy giờ thì chẳng có diễn giải chi cả, chẳng có thông đạt gì hết, không có san sẻ chia sớt chi cả. Cội cây không phải là chính ngài mà ngài cũng không đồng hoá với cội cây: thuần chỉ hiện có niềm cảm khái mật thiết ấy với nhau trong chỗ thâm sâu tịch lặng mà thôi. Không biết các ngài có bao giờ thử nghiệm xem thế hay không. Hôm nào ngài thử vậy coi, khi tâm thức ngài đã dứt ba hoa bép xép, dứt bay nhảy đó đây khắp chỗ, khi tâm thức ngài không chìm đắm trong những cuộc độc thoại của nó để nhớ những công việc đã làm hay những công việc còn phải làm. Quên lãng đi tất cả, ngài hãy thử thông cảm với một trái núi, với một ngọn suối, với một người nào, với một cội cây, cùng với sự vận hành của cuộc sống chẳng hạn. Việc ấy đòi hỏi một cảm độ tịch mịch phi thường, với một sự chú tâm đặc biệt – đây không phải là việc tập trung, mà là một sự chú ý thơ thới và thoải mái.

Vậy hôm nay tôi muốn cùng thông cảm với các ngài về những điều chúng ta vừa nói bữa trước. Bữa đó chúng ta nói về tự do và phẩm chất của nó. Tự do không phải là một lý tưởng, không phải là một điều gì xa xăm, tự do không phải là một suy niệm, suy niệm chỉ là cái thuyết của một thủ tục bị tù hãm. Chỉ có tự do khi tâm thức không còn bị bất cứ một vấn đề nào tổn hại. Khi tâm thức bị mắc vướng như vào một vấn đề nào, thì nó không thể thông cảm được với tự do, nó cũng không sao nhận thức được phẩm chất phi thường của tự do nữa.

Phần đông thế nhân đeo mang nhiều vấn đề và rốt lại rồi thành quen với chúng; họ quen với chúng và chấp nhận chúng như thành một phần cuộc sống của mình. Nhưng không phải vì mình chấp nhận chúng hay quen thuần với chúng mà các vấn đề đã được giải quyết cho đâu: nếu ta khượi đi cái lớp vỏ bề mặt là chúng lộ ra đấy mãi, như cái mụt nhọt đang làm mủ. Thế nhưng phần đông người đời sống trong tâm trạng ấy – cứ liên miên chấp nhận hết vấn đề này qua vấn đề khác, hết nỗi khổ này qua nỗi khổ khác, liên miên bất tận; họ thất chí, âu lo, tuyệt vọng và họ cứ ỳ ra chịu nhận hết.

Nếu chỉ chấp nhận các vấn đề và sống mãi với chúng, dĩ nhiên là ta có giải quyết gì chúng đâu. Ta có thể tưởng rằng chúng đã được lãng quên hay cho rằng chúng không còn quan trọng; nhưng chúng vốn quan trọng vô cùng, vì chúng tổn hoại tâm trí, vì chúng bóp méo sự nhận thức và huỷ diệt sự minh mẫn. Nếu ta đeo mang một vấn đề, thì nó thường choán hết cuộc sống của ta đi. Có thể đó là một vấn đề tiền bạc, về dục tình, hay về việc dốt nát của mình, hay việc tự thực hiện bản thân, việc muốn lừng tiếng nổi danh. Bất cứ nó là vấn đề gì, nó cũng cứ rút rỉa mình đến nỗi gặm mòn cả bản thể, và mình nghĩ rằng hễ giải quyết nó được ắt là thoát khỏi hết mọi khổ sở.

Nhưng khi mà tâm thức vẫn hẹp hòi và nhỏ nhen, dù nó có tìm lo giải quyết vấn đề riêng tư của nó, tách rời với cơ vận hành toàn bộ của cuộc sống, thì cái tâm thức ấy không tự giải thoát được bao giờ vì mỗi vấn đề đều dính líu liên quan với một vấn đề khác, chỉ xem xét nội một vấn đề độc nhất mà thôi và lo giải quyết manh mún thôi thì quả là hoàn toàn vô ích không khác gì như lo trồng trọt, một góc ruộng thôi mà tưởng rằng mình đã trồng trọn cả thửa ruộng. Ta phải trồng toàn cả thửa ruộng, ta phải xem xét mỗi vấn đề đưa tới, vì như hôm trước tôi đã nói, chỗ quan trọng không phải là giải quyết vấn đề, mà quan trọng là phải hiểu nó, dù có phải chịu đau khổ, khắc nghiệt, khẩn cấp và thúc bách thế nào đi chăng nữa.

Nói như vậy chẳng phải tôi có ý cố chấp hay cả quyết gì, nhưng tôi thiết nghĩ cái việc âu lo bận bịu với một vấn đề thôi, việc ấy chỉ chứng tỏ một tâm thức nhỏ nhen, và một tâm thức ti tiện mà cứ mải tìm giải quyết vấn đề riêng tư của nó, tất nhiên không bao giờ thoát được vấn đề. Cái tâm thức ấy có thể lẩn tránh bằng đủ hết mọi cách, có thể trở lên chua chát và cay cú yếm thế, hoặc trôi lăn vào tuyệt vọng, nhưng tâm thức ấy không bao giờ hiểu được tất cả ý nghĩa của cuộc đời.

Vậy nếu muốn nhận biết bản chất của các vấn đề, ta phải chăm lo toàn cả cơ sở xuất xứ của chúng, chứ không phải chỉ lo duy một trường hợp nào riêng biệt, vì dù trường hợp này có thế nào, có rắc rối, có khắc nghiệt, hay thúc bách thế nào đi chăng nữa nó cũng vẫn liên quan với tất cả mọi vấn đề khác. Thế nên quan trọng không phải là xem xét vấn đề ấy ở chỗ cục bộ manh mún, điều này là một điều rất đỗi khó khăn. Khi gặp một vấn đề khẩn cấp, khổ sở, dây dưa thì phần đông chúng ta nghĩ rằng cần phải giải quyết nó riêng rẽ, chứ không lưu tâm xem xét toàn bộ cơ cấu của tất cả những vấn đề.

Ta xét nghĩ về vấn đề đó một cách cục bộ manh mún, nhưng cái tâm thức manh mún đích thị là cái tâm thức ti tiện nhỏ nhen; cái tâm thức ấy là tâm thức trưởng giả không phải trong ý nghĩa xấu, mà dùng đó để chỉ rõ thực trạng của tâm thức; tâm thức ấy nhỏ nhen tầm thường khi nó muốn giải quyết riêng rẽ một vấn đề nào của nó. Kẻ nào đang bị sự ganh ghét thiêu đốt, thì muốn hành động ngay tức thời, muốn làm một việc gì, muốn xoá bỏ sự ganh ghét hay ra tay trả thù. Nhưng cái phiền não đặc biệt ấy vốn liên quan sâu xa với nhiều vấn đề khác nữa. Vậy ta phải xem xét toàn bộ cơ cấu của các vấn đề, chứ không phải chỉ lo xem xét riêng một phần nào trong đó.

Mỗi khi có những vấn đề này thì phải hiểu minh bạch rằng nơi đây chúng ta không lo tìm giải pháp cho một vấn đề nào cả. Như tôi đã lưu ý các ngài rồi, đi tìm giải pháp tức là trốn tránh vấn đề. Sự trốn tránh này có thể êm dịu hoặc đau đớn, có thể đòi hỏi một khả năng trí thức hay những tài năng gì đó, nhưng dù thế nào cũng thế, đó vẫn là trốn tránh thôi. Nếu chúng ta muốn giải phóng, muốn dứt hết tất cả những bức bách áp lực trong các vấn đề của ta, cho tâm thức chúng ta được tịnh định và sáng suốt – vì chỉ trong tự do mới được vậy – thì công việc đầu tiên của chúng ta là đừng lo giải quyết các vấn đề ấy, mà phải hiểu chúng. Hiểu quan trọng hơn giải quyết nhiều lắm. Sự thông hiểu không phải là khả năng hay sự tinh xảo lanh lợi của tâm thức đã thu hoạch nhiều trí thức chi ly phân tích và biết áp dụng những trí thức ấy vào một vấn đề nào nhất định: mà hiểu là thông cảm được với vấn đề. Thông cảm với vấn đề không phải là tự đồng hoá với nó. Như tôi đã nói, muốn thông cảm với một cội cây, một con người, một dòng sông, một cái đẹp phi thường của thiên nhiên, tất mình phải được một niềm thanh thản lắng dịu nào đó, phải có cảm thức tách biệt ra, tách xa hẳn với các sự vật.

Vậy điều chúng ta tìm học ở đây chính là thông cảm với vấn đề. Nhưng các ngài có nhận hiểu chỗ khó khăn ấy hay không? Mỗi khi có sự thông cảm với bất cứ điều gì, thì tâm niệm về “tự ngã” đã vong bặt. Khi ngài thông cảm với người ngài yêu thương – với vợ, với con, khi ngài cầm tay một người bạn, trong khoảnh khắc ấy – nếu đó chẳng phải là một tình cảm, một cảm giác giả tạo mà người ta gọi là tình thương, mà là một cái gì khác hẳn, một cái gì linh động, mãnh liệt, chân thật – thì lúc ấy toàn cả cơ vị của “tự ngã” đều bặt vong với cả cái tiến trình tư niệm của nó. Cũng thế, thông cảm với một vấn đề có ngụ ý rằng có một sự bất đồng hoà lúc quán sát. Bấy giờ, toàn thân xác, cả óc não và thần kinh – toàn cả thân tâm đều ngừng nghỉ. Trong tâm trạng đó, ta có thể quán sát vấn đề mà không tự đồng hoá, và chỉ trong tâm trạng ấy mới hiểu thấu được vấn đề.

Tác giả: J. Krishnamurti

SHARE:

Trả lời