MỤC ĐÍCH CỦA DUY THỨC: DUY THỨC TÁNH

SHARE:

1/Tất cả duy thức

Tất cả những gì hợp thành cuộc đời làm người của chúng ta, tất cả những kinh nghiệm quá khứ, hiện tại, tương lai đều nhờ thức và thông qua thức. Một trí nhớ, một kỷ niệm còn tồn tại vì nó còn được chứa giữ trong thức. Một tưởng tượng về tương lai sẽ như thế này sẽ như thế kia đều hiện hình trong thức. Và hiện tại, những gì chúng ta thấy nghe suy nghĩ, phân biệt… đều thông qua thức.

Với Duy thức tông hay Du già hành tông (Yogacara) – một trong hai trường phái lớn nhất của Đại thừa, từ chúng sanh ra tất cả các tông phái Đại thừa khác – thì thức gồm có tám thức: A lại da thức hay Tàng thức, Mạt na thức là thức chấp ngã, Ý thức, và năm thức giác quan. Tất cả cuộc đời của con người là do tám thức này và sự tương tác của tám thức mà hợp thành.

Trong bài này chúng ta trích từ Luận Thành Duy Thức của Bồ tát Thế Thân Vasubandhu (thế kỷ thứ 4 tây lịch), do Tam tạng Pháp sư Huyền Trang dịch ra tiếng Hán.

Tất cả là thức, được nói như sau:

17. Các thức ấy chuyển biến

Phân biệt, bị phân biệt

Do kia, đây đều Không

Nên tất cả duy thức.

Ngày nay có nhiều ngành nghiên cứu khoa học về tâm thức như tâm lý học, phân tâm học, thần kinh não bộ… nhưng vẫn chưa tiến được bao nhiêu. Chẳng hạn, chúng ta đã khám phá ra tiềm thức, hay vô thức, tương đương với Tàng thức, nhưng các bác sĩ phân tâm học cùng lắm là dùng thôi miên để biết những tổn thương trầm trọng nào của tâm thức bệnh nhân trong một số kiếp trước. Vì không biết rõ tàng thức cho nên đến bây giờ khoa học về tâm thức không thể xác quyết được khi chết có còn thức để đi tái sanh hay không; ý tưởng là gì, từ đâu sanh ra, chìm lặng về nơi nào, nó là hạt hay là sóng…

Trong khi đó Duy thức tông chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thiền định nên khám phá các thức và sự tương tác, giao thoa giữa các thức rõ ràng hơn nhiều. Sở dĩ nhấn mạnh đến kinh nghiệm thiền định để khám phá tâm thức vì Du già hành tông (Yogacara) chủ yếu là dùng thiền định, mà chữ Ấn Độ xưa gọi là Du già (Yoga).

Nhưng nếu Duy thức tông hay Du già hành tông chỉ liệt kê tám thức, chức năng và những hậu quả do sự tương tác của chúng thì Duy thức tông vẫn chưa phải là một trường phái chính yếu của đạo Phật, vì đạo Phật là con đường đưa đến giải thoát và giác ngộ. Cho nên ngoài những liệt kê chức năng và tác dụng của tám thức, mà Duy thức tông gọi là “duy thức tướng”, Duy thức tông chỉ ra “duy thức tánh”, chính là sự chứng ngộ bản tánh của tám thức để đưa người ta đến giải thoát và giác ngộ.

2/Duy thức tánh

Duy thức tánh là bản tánh hay thật tánh của các thức. Bản tánh của duy thức là gì? Luận nói:

  1. Đây thắng nghĩa các pháp

Cũng tức là Chân Như

Thường như tánh của nó

Tức thật tánh duy thức.

Thật tánh của duy thức là Chân Như. Chân Như thì “thường như tánh của chính nó” nên Chân Như thì thường thanh tịnh, không bị nhiễm ô, bất biến và do đó, bất động.

Duy thức tánh còn là tánh Không. Ngay trong câu đầu của Luận Thành Duy Thức đã nói rằng không có ngã và không có pháp, vô ngã và vô pháp là tánh Không.

  1. Ngã pháp do giả nói

Có thảy thảy tướng chuyển

Chúng nương thức biến hiện

Thức biến hiện có ba.

Trong phần nói về Ba Vô Tánh, ba thứ vô tự tánh, mà vô tự tánh là tánh Không, Luận nói về tánh Không của tất cả các pháp như sau:

  1. Chính nương ba tánh này

Lập ba vô tánh kia

Nên Phật mật ý nói

Hết thảy pháp vô tánh

  1. Một là tướng vô tánh

Hai, tự nhiên vô tánh

Sau là do xa lìa

Chỗ chấp tánh ngã, pháp

  1. Đây thắng nghĩa các pháp

Cũng tức là Chân Như

Thường như tánh của nó

Tức thật tánh duy thức.

Hết thảy pháp vô tánh nghĩa là tất cả các hiện tượng, tất cả tám thức đều vô tự tánh, đều là tánh Không. Tánh Không thì trống không, vô tự tánh nên thường thanh tịnh (Không). Nó không bị nhiễm ô, biến đổi bởi các tướng, vì nó là Vô tướng. Không có hành động, chuyển động, tạo tác nào làm nhiễm ô, biến đổi được nó, vì nó là Vô tác, và vô tác nghĩa là bất biến, bất động. Theo Kinh Đại Bát Nhã, tánh Không giống như hư không, thanh tịnh, vô nhiễm, vô biên, bất biến, thường trụ và bất động. Duy thức tánh là tánh Không nên cũng có những đặc tính như vậy.

Tánh Không của ba thứ vô tánh cũng là Chân Như. Tánh Không, Chân Như là bản tánh của tất cả các pháp, của tất cả các thức. Và tánh Không, Chân Như này là thật tánh duy thức.

Hai câu tiếp theo, câu 26 và 27 đều gọi “thật tánh duy thức” này là “duy thức tánh”. Thắng nghĩa, thật tánh của các pháp là Chân Như – tánh Không, và Chân Như – tánh Không là duy thức tánh. Người thực hành duy thức là thấy được và an trụ trong duy thức tánh hay Chân Như – tánh Không này. Chẳng hạn câu 26 nói về Tư Lương vị và câu 27 Gia Hạnh vị:

  1. Cho đến chưa khởi thức

Cầu trụ duy thức tánh

Đối hai (chấp) thủ tùy miên

Còn chưa thể phục diệt

  1. Hiện tiền lập chút vật

Cho là duy thức tánh

Vì còn có chỗ đắc

Chưa thật trụ duy thức (tánh)

Đến Thông Đạt vị hay Sơ địa là trụ được trong duy thức tánh hay Chân Như:

  1. Nếu khi nơi sở duyên

Trí đều không chỗ đắc

Là trụ duy thức tánh

Vì lìa tướng hai thủ.

Luận Thành Duy Thức ví các thức như những làn sóng trên nước tức căn bản thức hay tàng thức:

  1. Nương trên căn bản thức

Năm thức theo duyên hiện

Cùng khởi hoặc chẳng cùng

Như sóng nương trên nước

Kinh Nhập Lăng Già cũng ví thức với sóng trong biển tạng thức thường trụ và sóng thức và biển tạng thức thường trụ ấy không khác nhau:

Thí như sóng đại dương

Là do gió mạnh thổi

Sóng lớn dậy trên biển

Không có lúc dừng dứt.

Biển tạng thức thường trụ

Gió cảnh giới xao động

Thảy thảy các sóng thức

Nhấp nhô mà chuyển sanh…

Tâm, ý và ý thức

Là nói theo các tướng

Tám thức, tướng không khác

Không năng tướng, sở tướng

Thí như biển và sóng

Chúng không hề sai khác.

Qua chỉ một thí dụ này chúng ta thấy các thức không khác biệt nhau trong bản tánh, chúng cùng một thật tánh duy thức, cùng một duy thức tánh, cùng là Chân Như. Như tướng các sóng khác nhau nhưng chúng cùng một bản tánh là nước đại dương.

Khi trụ trong tánh nước của đại dương, chúng ta sẽ thấy nước ấy xuyên suốt qua, thấu thoát qua tất cả mọi làn sóng, biến tất cả sóng thành đại dương một vị nước thanh tịnh. Khi trụ trong duy thức tánh tức Chân Như, duy thức tánh nhiếp tất cả các thức thành một vị duy thức tánh Chân Như.

Khi tất cả sóng là đại dương thì tất cả là nước, “thường như tánh của chính nó” (câu 25), nên không những nước bất động mà sóng cũng bất động. Cũng như vậy, khi duy thức tánh là bản tánh của tất cả các thức mà duy thức tánh Chân Như vốn bất động và thanh tịnh nên các thức cũng có bản tánh bất động và thanh tịnh.

Đây là sự chuyển thức thành trí của Duy thức tông. Sự chuyển thức thành trí này dựa vào nền tảng duy thức tánh Chân Như để chuyển. Do đó để chuyển thức thành duy thức tánh Chân Như, phải an trụ trong duy thức tánh để làm việc này. Đó là công việc của Tu Tập vị sau Thông Đạt vị hay Kiến Đạo vị.

—–o0o—–

Nguồn từ thuvienhoasen.org

SHARE:

Trả lời